Giới thiệu khái quát về Khu di tích lịch sử Tân Trào
Thủ đô Khu giải phóng - Trung tâm Thủ đô Kháng chiến
Khu di tích lịch sử Tân Trào nằm ở phía đông nam của tỉnh Tuyên Quang bao gồm 11 xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa (huyện Yên Sơn); Tổng diện tích tự nhiên 530,9 km2. Đây là khu di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các bộ, ban, ngành trung ương. Ghi dấu những sự kiện trọng đại của đất nước trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tân Trào, thời tiền khởi nghĩa là tên gọi chung của cả khu căn cứ cách mạng nằm ở phía đông và đông bắc hai huyện Sơn Dương, Yên Sơn. Trung tâm khu căn cứ cách mạng cách quốc lộ 37 và huyện lỵ Sơn Dương 12km về phía tây nam. Đây là vùng đất rộng lớn có nhiều núi đá vôi xen kẽ núi đất, sông, ngòi dày đặc, đồi núi trùng điệp, nhiều thung lũng nhỏ, có độ cao trung bình từ 70 đến 700m so với mực nước biển. Cư dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Tày, Dao, Nùng, Cao Lan, Sán Chí.... sống quây quần thành từng làng bản trong các thung lũng, ven sông, suối, trên các triền đồi, phân bố không đồng đều và thưa thớt. Tại Tuyên Quang, từ năm 1937, cơ sở cách mạng được xây dựng trong công nhân mỏ than, công nhân đoàn thuyền sắt, sau đó phát triển nhanh chóng đến mọi tầng lớp nhân dân. Nắm vững chủ trương của Đảng và yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng địa phương, Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định thành lập Chi bộ Mỏ Than ngày 20/3/1940, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh.

Tháng 5/1941, tại Cao Bằng, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị căn cứ địa, phát triển lực lượng vũ trang, khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa. Trung ương Đảng và đồng chí Nguyễn Ái Quốc chọn 4 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang xây dựng khu căn cứ du kích.

Trong những năm 1941 - 1943, đội Cứu quốc quân II từ khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai đã phát triển đến Tuyên Quang, xây dựng phong trào Việt Minh, thành lập đội du kích ở các huyện.

Đầu năm 1944, khu căn cứ địa đã hình thành, nối liền các tỉnh Việt Bắc. Phân khu Nguyễn Huệ (Phân khu B) ra đời gồm các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá tỉnh Tuyên Quang; Đại Từ, Định Hoá và một phần huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên; Chợ Đồn tỉnh Bắc Cạn, lấy Sơn Dương làm trung tâm. Đội Cứu quốc quân III được thành lập tại Khuổi Kịch, xã Tân Trào (25/2/1944) làm nòng cốt cho việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang trong toàn Phân khu.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Trung ương Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tuy chưa nhận được chỉ thị, nhưng trước dấu hiệu biến động chính trị, lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ đã phát động quần chúng nhân dân xã Thanh La, huyện Sơn Dương đứng lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ngày 10/3/1945. Thừa thắng, ta tiếp tục đánh địch ở các xã lân cận và đồn Đăng Châu (thủ phủ quân Nhật tại Sơn Dương), giải phóng toàn bộ vùng thượng huyện Sơn Dương. Ngày 16/3/1945, tại đình Thanh La chính quyền cấp huyện đầu tiên trong cả nước được thành lập.

Từ tháng 5 đến 8/1945, Tân Trào vinh dự được lãnh tụ Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh chọn làm căn cứ địa để chuẩn bị lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa. Tháng 6/1945 Khu giải phóng bao gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang được thành lập, Tân Trào là Thủ đô lâm thời Khu giải phóng.

Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp tại khu rừng Nà Lừa, Tân Trào, quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách. Uỷ ban khởi nghĩa ra bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Chiều ngày 16/8/1945, dưới bóng đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa, chỉ huy đơn vị giải phóng quân tiến sang Thái Nguyên và tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội.

Trong hai ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào, Đại hội đã thông qua Nghị quyết giành chính quyền trong cả nước; 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh; bầu Uỷ ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định quốc kỳ, quốc ca.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân vui mừng hưởng nền độc lập mới. Tuy nhiên, hoà bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa, nền độc lập bị đe doạ, cả nước lại bước vào một cuộc kháng chiến mới đầy cam go.

Tân Trào, chiếc nôi của cách mạng, “Thủ đô lâm thời Khu giải phóng” khi xưa, nay lại được chọn làm “Trung tâm thủ đô kháng chiến”, nơi đặt trụ sở làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bộ, ban, ngành Trung ương: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ Tướng phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế, Bộ Canh nông, Bộ Tư pháp, Quốc gia Ngân hàng, Nha Công an, Nha Thông tin, Mặt trận Liên Việt, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Sử - Địa - Văn, Nhà xuất bản Sự Thật.
Là “Thủ đô Khu giải phóng”, “Trung tâm Thủ đô Kháng chiến” nơi có những di tích lịch sử nổi tiếng như: lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Hang Bòng, Đồng Man - Lũng Tẩu, Khấu Lấu, Vực Hồ, Thác Rẫng Lập Binh, ATK Kim Quan. Nơi Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận... Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ở, làm việc trong suốt hai thời kỳ cách mạng và kháng chiến, đấu tranh giành lại độc lập, tự do, hoà bình cho dân tộc Việt Nam. Khu di tích lịch sử Tân Trào đã đi vào lịch sử, là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.